Bí ẩn bộ sưu tập trang sức vàng ngàn năm trong mộ táng
00:00
31/10/2024
Bộ sưu tập trang sức vàng ở khu mộ táng Lai Nghi gồm 4 chiếc khuyên tai vàng và 104 hạt chuỗi vàng
Bộ sưu tập trang sức vàng văn hóa Sa Huỳnh ở khu mộ táng Lai Nghi và hiện vật mã não hình động vật có niên đại từ thế kỷ III trước Công nguyên đến giữa thế kỷ I Công nguyên vừa được đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có tờ trình số 6949/UBND-KGVX kính đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đối với các hiện vật thuộc bộ sưu tập trang sức vàng và hiện vật mã não hình động vật ở khu mộ táng Lai Nghi.
Khuyên tai vàng đầu tiên được phát hiện thuộc văn hóa Sa Huỳnh
Bộ sưu tập trang sức vàng ở khu mộ táng Lai Nghi gồm 4 chiếc khuyên tai vàng và 104 hạt chuỗi vàng có niên đại từ thế kỷ III trước Công nguyên đến giữa thế kỷ I Công nguyên. Đây là các hiện vật phát hiện được từ đợt khai quật khảo cổ ở khu mộ táng Lai Nghi (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Di tích được phát hiện năm 2000 và được Bảo tàng Quảng Nam, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn) phối hợp với các nhà khảo cổ học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐHQG Hà Nội, Viện Khảo cổ Chung và So sánh thuộc Viện Khảo cổ học quốc gia Đức khai quật từ năm 2002 đến năm 2004.
Một số hiện vật được khai quật trong bộ sưu tập trang sức vàng ở khu mộ táng Lai Nghi (Ảnh: BẢO TÀNG QUẢNG NAM)
Theo đánh giá của các chuyên gia, khu mộ táng Lai Nghi là địa điểm khảo cổ có đồ tùy táng phong phú và đa dạng. Tỉ lệ hiện vật chôn theo mỗi chum của Lai Nghi cao nhất trong số những địa điểm đã phát hiện và khai quật thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam. Bốn khuyên tai vàng ở Lai Nghi chưa bao giờ tìm được trong văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam. Về hình thức bên ngoài, bộ 4 chiếc khuyên tai khá giống nhau về hình dáng và kích thước. Tuy nhiên, khi quan sát và nghiên cứu kỹ cho thấy 3 chiếc khuyên tai có những gờ nổi rõ hơn chiếc còn lại.
Các chuyên gia khảo cổ học Đức và Việt Nam tham gia khai quật và nghiên cứu cho rằng 4 chiếc khuyên tai này đã được chế tác bằng hai kỹ thuật khác nhau và thuộc về hai truyền thống chế tác khác nhau. Kiểu khuyên tai được chế tác tại địa phương đã sao chép lại kiểu khuyên tai được du nhập. Chuyên gia khảo cổ Nguyễn Chiều, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, nhận định các khuyên tai vàng được phát hiện ở di tích Lai Nghi cũng có thể xem như là những khuyên tai vàng đầu tiên được phát hiện trong các di chỉ thuộc Văn hóa Sa Huỳnh. Những trang sức vàng ở khu mộ táng Lai Nghi từ khi phát hiện đã trở thành đối tượng quan trọng cho những chương trình nghiên cứu đồ vàng cổ ở Đông Nam Á.
Bộ sưu tập 4 trang sức vàng được phát hiện ở khu mộ táng Lai Nghi là tư liệu lịch sử quý hiếm, phản ánh quá trình giao lưu văn hóa và những thành tựu văn hóa, lịch sử của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Đây cũng là sản phẩm kết tinh đỉnh cao dựa trên sự kế thừa từ truyền thống chế tác đồ thủ công của cư dân Sa Huỳnh kết hợp với quá trình trao đổi, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa của nghệ thuật chế tác từ các nền văn hóa lớn trên thế giới. Giới chuyên môn nhận định bộ sưu tập không chỉ thể hiện về trình độ chế tác và tư duy thẩm mỹ ẩn chứa trong từng hiện vật mà còn là những thông điệp thể hiện về địa vị và cả ước nguyện sâu sắc của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, một trong những nền văn hóa góp phần quan trọng hình thành nên nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng.
Chuỗi hạt mã não hình chim nước và hổ
Hai chuỗi hạt mã não hình động vật ở khu mộ táng Lai Nghi được phát hiện gồm hạt chuỗi hình con chim nước và hình con hổ, đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Hạt chuỗi mã não hình con chim nước tuy kích thước nhỏ nhưng hình dáng của con vật được thể hiện khá chi tiết. Hiện vật tạo tác hình con chim có mỏ quặp xuống kiểu mỏ bồ nông, mỏ ngắn và to, hai mắt lồi, trên đầu là chiếc mào khá lớn, đuôi ngắn, cánh ngắn, thân hình khá mập mạp.
Hạt chuỗi/vật đeo mã não khắc hình con hổ được thể hiện chi tiết với thân hình hổ khá mập mạp, thoạt nhìn thì tư thế nằm gần giống như một con bò, song phần đầu được tạo dáng của đầu hổ. Các chi tiết như hai mắt, sống mũi và mũi, hai tai được chạm khắc tỉ mỉ, sống động.
Các chuyên gia nhận định rằng kỹ thuật tạo hình tinh xảo, phức tạp và chỉnh chu trong từng chi tiết nhỏ của hai hiện vật này cho thấy sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và kỹ thuật cao của người xưa. Khi quan sát chi tiết về hiện vật có thể thấy được các kỹ thuật như ghè đẽo - cưa - khoan - mài - đánh bóng đã được các nghệ nhân làm một cách cẩn trọng, với phương thức làm phù hợp với chất liệu. Ngoài ra, để tạo lỗ xỏ dây chính xác cho loại hiện vật này cũng cần một loại khoan phù hợp, kỹ thuật khoan lỗ chuẩn xác với những dấu vết khoan lỗ từ một hai chiều, độ sâu của lỗ khoan và đường kính lỗ khoan phù hợp với bố cục của hiện vật, cho thấy chúng có thể được khoan bằng một mũi khoan nhỏ và tinh xảo, rất có thể là kim cương hoặc phổ biến hơn là mũi khoan bằng đá jasper. "Nét độc đáo của hai hiện vật này là ở kỹ nghệ chế tác tinh vi, quy trình phức tạp, được thực hiện một cách khéo léo và chuẩn xác" - văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình ký đã xác nhận.
Hiện vật không chỉ phản ánh quá trình giao lưu văn hóa mà còn thể hiện trình độ chế tác nghệ thuật, tư duy thẩm mỹ rất cao của cư dân văn hóa Sa Huỳnh nói chung và cư dân văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam nói riêng, mà còn là bằng chứng cho sự tham gia của Đông Nam Á vào con đường tơ lụa hàng hải sớm. Hiện vật góp phần minh chứng vai trò quan trọng của cư dân Sa Huỳnh trong mạng lưới thương mại đường dài lúc bấy giờ.
"TS Andreas Reinecke, Trưởng đoàn khai quật Viện 3 Khảo cổ Chung và So sánh thuộc Viện Khảo cổ học quốc gia Đức, đánh giá đây là di chỉ có số lượng hạt chuỗi bằng vàng phát hiện được nhiều nhất trong các di chỉ thuộc văn hóa Sa Huỳnh đã được phát hiện từ trước đến nay ở Việt Nam. |
Nguồn tin: 24h.com.vn